TIN TỪ SỞ Y TẾ

Ngày sức khỏe thận thế giới năm 2024: Thúc đẩy khả năng tiếp cận công bằng với dịch vụ chăm sóc và dùng thuốc tối ưu

Ngày 14/03/2024

 -  341 Lượt xem

Bệnh thận mạn tính gây ảnh hưởng đến hơn 850 triệu người trên toàn thế giới và dẫn đến hơn 3,1 triệu ca tử vong vào năm 2019. Hiện tại, bệnh thận được xem là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 8, cũng như là nguyên nhân thứ 5 được dự đoán gây ra số năm sống bị mất vào năm 2040 nếu không được giải quyết.

Chủ đề Ngày sức khỏe thận thế giới (14/03/2024): “Thúc đẩy khả năng tiếp cận công bằng với dịch vụ chăm sóc và dùng thuốc tối ưu”, để đạt được điều này, đòi hỏi phải vượt qua những rào cản bao gồm lỗ hổng trong chẩn đoán sớm, thiếu bảo hiểm, nhận thức thấp của nhân viên y tế, thách thức trong chi phí thuốc và khả năng tiếp cận. Từ đó, cần có một chiến lược đa hướng để phòng ngừa và cải thiện sức khỏe thận.

8 nguyên tắc vàng phòng ngừa bệnh thận

1.Tập thể dục: Điều này có thể giúp duy trì trọng lượng cơ thể lý tưởng, giảm huyết áp và nguy cơ mắc bệnh thận mạn tính.

2.Ăn uống lành mạnh: Điều này có thể giúp duy trì trọng lượng cơ thể lý tưởng, phòng các bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh tim và các tình trạng khác liên quan đến bệnh thận mạn tính.

3.Kiểm soát lượng đường trong máu: Khoảng một nửa số người mắc bệnh đái tháo đường bị tổn thương thận, tuy nhiên điều này có thể được ngăn chặn hay hạn chế nếu bệnh đái tháo đường được kiểm soát tốt.

4.Kiểm soát huyết áp của bạn: Huyết áp cao có thể làm hỏng thận của bạn. Do đó, nguy cơ có thể giảm bớt khi kiểm soát tốt huyết áp.

5.Uống đủ nước: Thông thường, khoảng 2 lít nước mỗi ngày cho một người khỏe mạnh trong điều kiện khí hậu dễ chịu. Lưu ý: Lượng chất lỏng nạp vào có thể cần phải được điều chỉnh nếu bạn mắc bệnh thận, tim hoặc gan.

6.Không hút thuốc: Hút thuốc lá làm chậm lưu lượng máu đến thận. Khi lượng máu đến thận ít hơn, nó có thể làm giảm khả năng hoạt động bình thường của thận. Hút thuốc cũng làm tăng nguy cơ ung thư thận khoảng 50%.

7.Không uống thuốc chống viêm/giảm đau thường xuyên: Các loại thuốc thông thường như thuốc chống viêm không steroid (NSAIDS) hay thuốc giảm đau (ví dụ ibuprofen) có thể gây hại cho thận nếu dùng thường xuyên.

8.Kiểm tra chức năng thận nếu bạn có một hoặc nhiều yếu tố “nguy cơ cao”: Các yếu tố này bao gồm: có bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, béo phì, tiền sử gia đình mắc bệnh thận.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố

Nguồn:

https://www.worldkidneyday.org/2024-campaign/

 

https://www.worldkidneyday.org/about-kidney-health/