TIN TỪ SỞ Y TẾ

Chấn thương do thể thao: Càng xem nhẹ, bệnh càng nặng

Ngày 04/11/2016

 -  2291 Lượt xem

Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân sau khi chơi thể thao bị đau vai, đau chân nhưng đã bỏ qua các triệu chứng bất thường và không đến bệnh viện điều trị kịp thời.

Chỉ đến khi đau quá mức hoặc rất khó khăn thực hiện những động tác thông thường như nhấc vai, xuống cầu thang mới đến bệnh viện thì đã muộn.

Khớp gối, khớp vai dễ chấn thương

"Ở VN đa số người chơi thể thao là nghiệp dư, thích chơi môn gì là chơi chứ ít hiểu biết về môn thể thao mình định chơi và cũng không đi kiểm tra sức khỏe, tham vấn bác sĩ trước khi tham gia xem môn thể thao đó có phù hợp không và chơi ở mức độ như thế nào...

Vì thế 75% bệnh nhân bị chấn thương thể thao là người chơi nghiệp dư"

TS.BS VÕ THÀNH TOÀN

Ngày 29-7 bệnh nhân V.H.T. (35 tuổi, TP.HCM) được các bác sĩ khoa chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Thống Nhất, TP.HCM phẫu thuật nội soi tái tạo dây chằng chéo đầu gối.

Sau phẫu thuật, bệnh nhân phải tập các bài tập phục hồi chức năng một thời gian mới có thể đi lại bình thường.

TS.BS Võ Thành Toàn - trưởng khoa chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Thống Nhất - cho biết khi nhập viện anh T. đã bị đứt dây chằng chéo trước đó hơn một năm. Anh T. kể trong một lần đá banh đã bị chấn thương, đau đầu gối và chạy không được. Sau đó anh T. tự mua thuốc uống thấy đỡ nên không đi bệnh viện khám. Anh T. còn tự mua đai khớp gối về đeo để giữ đầu gối không đau.

Không ngờ việc đeo đai khớp gối làm tổn thương nặng hơn do không được điều trị (bệnh nhân đeo đai khớp gối lúc đầu cảm thấy đỡ, do đó chủ quan không đi khám và tiếp tục có chế độ vận động không đúng).

Có trường hợp bệnh nhân đến bệnh viện trễ nên cơ đùi bên chân bị chấn thương dây chằng đã teo lại chỉ còn 6/10.

Nguyên nhân vì đau nên bệnh nhân không vận động dẫn đến teo cơ đùi, thường xuất hiện sau ba tuần bị chấn thương và ngày càng nặng. Khi cơ đùi bị teo càng làm tổn thương dây chằng của bệnh nhân nặng hơn.

Theo bác sĩ Thành Toàn, nếu chơi thể thao không đúng cách có thể bị chấn thương khớp gối và khớp vai, tùy môn thể thao. Với người đánh tennis, cầu lông thường bị chấn thương khớp vai dẫn đến tổn thương chóp xoay, tổn thương sụn viền...

Riêng chấn thương khớp gối thường gặp nhất ở người chơi đá bóng, người trẻ tuổi và là loại chấn thương chiếm tỉ lệ cao nhất trong chấn thương thể thao. Đặc biệt, chấn thương khớp gối ngày càng tăng do nhu cầu chơi thể thao của người dân ngày càng nhiều và dễ xảy ra ở những môn thể thao khó, đòi hỏi sự xoay trở khớp gối nhiều.

Nhiều người chủ quan

Tuy nhiên khi bị chấn thương khớp gối (đứt dây chằng gối, rách sụn chêm - PV), người chơi thể thao thường bỏ qua không đến bác sĩ. Có người tự mua thuốc giảm đau uống, thậm chí bó lá cây hoặc dùng dầu nóng, thuốc rượu xoa bóp để giảm đau. Khi tự điều trị như vậy thấy đỡ đau, người bệnh càng chủ quan không đi khám.

Ngoài ra, người bị chấn thương khớp gối do chơi thể thao thường dưới 45 tuổi - độ tuổi làm việc và lao động - nên có tâm lý tham công tiếc việc, không đi khám bệnh ngay. Do vậy, đa số bệnh nhân bị chấn thương khớp gối đến khám Bệnh viện Thống Nhất đều trễ vài tháng, cá biệt có người trễ đến 5-7 năm.

Bác sĩ Thành Toàn cho biết lý do khám bệnh trễ là do bệnh nhân chủ quan vì khi đứt dây chằng, đặc biệt đứt không hoàn toàn, bệnh nhân vẫn có thể đi lại, sinh hoạt gần như bình thường và chỉ gặp khó khăn khi lên cầu thang và không chạy được. Nhưng sau đó nếu không xử lý đúng và sớm thì tình trạng nặng lên, thậm chí có người khi đến bệnh viện đã bị loét sụn khớp gối, về sau dễ bị thoái hóa khớp gối sớm.

Bác sĩ Thành Toàn cũng nhấn mạnh đứt dây chằng dễ phát hiện hơn vì gây lỏng lẻo đầu gối và có dấu hiệu đau, khó lên cầu thang, không chạy được nên người bệnh sau đó còn đến bác sĩ. Với tổn thương sụn chêm đầu gối, thường bệnh nhân bỏ qua vì phần lớn lâu lâu mới có dấu hiệu kẹt khớp gối. Khi bị kẹt khớp gối, có người còn tự cố gắng nắn lại hoặc dù đau nhưng vẫn cố đi, cố chơi thể thao. Việc cố gắng không đúng này dẫn đến bệnh tình ngày càng nặng, làm sụn chêm bị rách không thể phục hồi.

Thay vì bệnh nhân đến sớm, bác sĩ khâu lại sụn chêm thì nguy cơ thoái hóa khớp gối sẽ rất thấp. Khi đến trễ (sau bốn tuần bị chấn thương mới đi khám và điều trị), khả năng khâu sẽ rất khó, bác sĩ buộc phải cắt sụn chêm dẫn đến nguy cơ bị thoái hóa khớp gối rất cao và rất nhanh, vì cứ một tuần đến trễ tỉ lệ khả năng liền lại của sụn chêm sau khi khâu sẽ giảm 5-10%.

Trong khi đó chấn thương do chơi tennis, cầu lông thường là tổn thương chóp xoay, sụn viền khớp vai. Khớp vai là khớp rất linh hoạt nên dễ bị chấn thương nếu chơi không đúng cách.

Nếu để trật khớp vai xảy ra liên tục (một tháng trật hai ba lần, thậm chí 10-15 lần) thì khả năng bác sĩ phục hồi chức năng cho khớp vai rất khó.

Cá biệt có trường hợp té ngã đập vai khi chơi thể thao làm tổn thương đám rối thần kinh cánh tay nhưng bệnh nhân bỏ qua, khi đến khám thì tay đã bị liệt.