Lợi ích khi được chuẩn bị trước khi đi mổ

Ngày 22/01/2025

 -  9 Lượt xem

LỢI ÍCH KHI ĐƯỢC CHUẨN BỊ TRƯỚC KHI ĐI MỔ

Bạn biết gì về trước khi đi mổ?

Chuẩn bị người bệnh trước mổ là việc làm cần thiết đầu tiên cho tất cả các hoạt động gây mê hồi sức tiếp theo. Qua thăm khám, người gây mê hiểu rõ được bệnh lý ngoại khoa cũng như các hoạt động mổ xẻ sẽ diễn ra, biết được tiền sử bệnh tật của gia đình và người bệnh, thói quen và tình trạng sức khoẻ hiện tại.Trên cơ sở đó, đánh giá được một cách chính xác bệnh tật và các nguy hiểm có thể xảy ra cũng như đề xuất khám hoặc xét nghiệm chuyên khoa bổ sung. Sau khi thăm khám người bệnh, người gây mê đưa ra một kế hoạch gây mê và hồi sức tốt nhất cho người bệnh. Qua thăm khám cùng với những lời giải thích và động viên phù hợp sẽ giúp người bệnh hiểu, tin tưởng và hợp tác với thầy thuốc. 

 

Lợi ích mang lại chuẩn bị người bệnh trước mổ tốt nhất 

Anesthesia, Opioids, and Anxiety: Your Pre-Surgery Questions Answered >  News > Yale Medicine

Hướng dẫn người bệnh hiểu rõ quy trình chuẩn bị trước - trong và sau phẫu thuật, nhằm có sự chuẩn bị cần thiết cũng như giảm thiểu các lo lắng, căng thẳng nhằm trang bị cho người bệnh và người nhà người bệnh những thông tin cần thiết, những quy tắc an toàn để nâng cao chất lượng chăm sóc, hạn chế tối đa những rủi ro trong phẫu thuật do việc thiếu kết nối thông tin giữa người bệnh và nhân viên y tế.

 

Hãy chuẩn bị tốt trước khi được bác sĩ tư vấn chuẩn bị phẫu thuật

Tôi sẽ gặp ai trong cuộc mổ này?

Thông thường trong cuộc mổ bạn sẽ gặp các nhân viên y tế gồm: Điều dưỡng tại khoa tiếp nhận, bác sĩ phẫu thuật phụ trách ca mổ cho bạn, bác sĩ gây mê hồi sức thăm khám trước mổ, điều dưỡng tại phòng mổ và điều dưỡng chăm sóc sau mổ.

Khám tiền mê là gì?

Sau khi đã hoàn tất các xét nghiệm tiền phẫu, bạn sẽ được khám tiền mê với bác sĩ gây mê để quyết định phương pháp gây mê phù hợp. Bác sĩ cũng sẽ giải thích về phương pháp gây mê được áp dụng cho người bệnh.

Những gì bạn cần nói cho bác sĩ gây mê gồm những gì?

Tiền sử bệnh tật

Thăm hỏi người bệnh có thể giúp người gây mê biết được tiền sử gia đình và người bệnh về bệnh tật kèm theo như:

- Bệnh tim mạch (cao huyết áp, mạch vành.). Nếu có tiền sử nhồi máu cơ tim dưới 6 tháng thì có nguy cơ cao nên trì hoãn nếu có thể

- Bệnh hô hấp (hen phế quản, tâm phế mãn, lao phổi)

- Bệnh tiêu hoá (viêm gan vi rut B, C)

- Bệnh nội tiết như (bướu cổ, đái  đường, u tuyến thượng thận)

Tiền sử dị ứng :

- Dị ứng do cơ địa: Thay đổi thời  tiết bị khó thở (hen phế quản), dị ứng thức ăn (hải sản), dị ứng phấn hoa, lông thú, nhựa latex

- Dị ứng thuốc: Kháng sinh, thuốc tê, mê

Các thói quen :

- Hút thuốc lá, thuốc lào: nên kiêng thuốc 2 đến 4 tuần trước mổ để giảm các biến chứng về hô hấp sau mổ.

- Nghiện thuốc phiện

- Nghiện rượu, bia

Thuốc đã và đang điều trị được bác sĩ gây mê hồi sức quan tâm :

Bác sĩ gây mê sẽ hỏi bạn về thuốc đã và đang sử dụng, đặc biệt là các thuốc điều trị bệnh tăng huyết áp, bệnh tiểu đường, bệnh tim mạch, bệnh lí hô hấp...Vì vậy, bạn nên mang theo toa thuốc trong khoảng 3 tháng gần nhất để có thể điều chỉnh thuốc trước khi tham gia phẫu thuật.

Tiền sử gia đình : 

Hướng dẫn Người bệnh chuẩn bị phẫu thuật

- Sốt cao ác tính

- Hen phế quản

- Bệnh về máu

- Động kinh, tâm thần

 

Bạn cần hỏi bác sĩ gây mê về các phương pháp vô cảm và các phương pháp giảm đau sau đó được bác sĩ gây mê tư vấn.

Trong quá trình khám tiền mê, bác sĩ gây mê đã hỏi bạn về bệnh lý nền, thuốc đã và đang sử dụng. Tùy theo bệnh lý nền, loại phẫu thuật mà bác sĩ gây mê lựa chọn phương pháp vô cảm phù hợp nhất cho bạn. Những phương pháp vô cảm có thể gặp gồm gây tê, gây mê hoàn toàn.

Sau khi được cung cấp đầy đủ thông tin về phẫu thuật, bạn sẽ ký cam kết chấp thuận cho bác sĩ thực hiện phẫu thuật điều trị theo kế hoạch.

Tùy vào tính chất phẫu thuật, bạn có thể được yêu cầu ký cam kết chấp thuận truyền máu. Người dưới 18 tuổi phải có cha mẹ hoặc người giám hộ ký vào những cam kết chấp thuận nói trên.

 

Để đảm bảo tốt cho cho phương pháp vô cảm và cuộc phẫu thuật, bạn phải có tinh thần thoải mái hợp tác với bác sĩ gây mê trước phẫu thuật.

Lưu ý trước khi phẫu thuật

  • Tẩy trang và chùi sạch sơn móng tay, móng chân trước khi phẫu thuật
  • Chải và cột gọn tóc
  • Tháo kính áp tròng
  • Tháo răng giả tháo lắp
  • Tháo tất cả đồ trang sức, bao gồm các loại khuyên đeo trên người
  • Mặc quần áo do bệnh viện cung cấp, không mang vớ và mặc đồ lót. Mang giày dép thoải mái, không mang giày cao gót, xăng đan hay dép xỏ ngón.
  • Đi tiểu trước khi vào phòng mổ
  • Người bệnh nhỏ tuổi cần có bố mẹ hoặc người giám hộ đi kèm
  • Trước khi phẫu thuật, nếu người bệnh có các triệu chứng bất thường như: cảm lạnh, đau họng, ho, đau bụng cồn cào, tiêu chảy hoặc sốt, người bệnh cần thông báo cho bác sĩ phẫu thuật, bác sĩ gây mê hoặc điều dưỡng tại khoa để kịp thời thăm khám tình trạng người bệnh. Bác sĩ có thể quyết định hoãn thực hiện phẫu thuật cho đến khi tình trạng người bệnh ổn định.
Hướng dẫn tắm sát khuẩn trước phẫu thuật
  • Vệ sinh cơ thể trước khi phẫu thuật
  • Giữ gìn vệ sinh cơ thể giúp giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng sau mổ. Bệnh viện sẽ hướng dẫn người bệnh sử dụng loại xà phòng khử trùng đặc biệt và yêu cầu người bệnh tắm trước khi phẫu thuật
  • Kỹ thuật tắm như sau: Dùng tay thoa xà phòng thật kỹ toàn bộ cơ thể, đảm bảo toàn bộ bề mặt da trên cơ thể đều được cọ sạch với xà bông. Sau đó, người bệnh xả nước sạch và lau khô người bằng khăn sạch. Người bệnh không cần gội đầu nếu đầu vẫn sạch, trừ khi phải phẫu thuật đầu hay cổ. Sau lần tắm cuối cùng, mặc quần áo sạch do bệnh viện cung cấp.

Thực hiện y lệnh theo hướng dẫn của bác sĩ phẫu thuật viên, điều dưỡng nơi khoa chuẩn bị cuộc phẫu thuật. Tất cả các bước trên với mục đích vì sự an toàn người bệnh và an toàn cho phẫu thuật gây mê hồi sức.

 

Tin ảnh – bài đăng thực hiện

BS Dương Minh Hoàng – Khoa Gây mê Hồi sức