Ngày phòng chống tăng huyết áp thế giới năm 2023 (17/5/2023)

Ngày 18/05/2023

 -  1018 Lượt xem

Ngày phòng chống tăng huyết áp thế giới được tổ chức vào ngày 17 tháng 5 hàng năm. Năm 2023, chủ đề của hoạt động quan trọng trên toàn thế giới này là Đo huyết áp của bạn một cách chính xác, kiểm soát huyết áp, sống lâu hơn, tập trung vào việc nâng cao tỷ lệ nhận thức còn  thấp trên toàn thế giới, đặc biệt là ở các khu vực có thu nhập thấp đến trung bình.

 

 

Tăng huyết áp (huyết áp cao), áp lực máu chảy qua các mạch máu của bạn luôn quá cao. Tăng huyết áp đôi khi được gọi là 'kẻ giết người thầm lặng' vì nó không gây ra triệu chứng và có thể không được chú ý cũng như không được điều trị trong nhiều năm.

 

Theo nguồn tin từ Tổ chức Y tế Thế giới (W.H.O), hơn một tỷ người trên thế giới sống chung với chứng tăng huyết áp, đây là nguyên nhân chính gây ra bệnh tim mạch và tử vong sớm trên toàn thế giới. Tăng huyết áp được cảm nhận như một gánh nặng ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, nơi có số trường hợp tăng huyết áp được phát hiện chiếm 2/3 trên thế giới trong những thập kỷ gần đây. Hơn nữa, khoảng một nửa số người bị tăng huyết áp không biết về tình trạng của họ, khiến họ có nguy cơ mắc các biến chứng y tế và tử vong.

 

Thống kê trên thế giới

 

- Khoảng 1,28 tỷ người trưởng thành từ 30 – 79 tuổi bị tăng huyết áp và hầu hết sống ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.

- Khoảng 46% người trưởng thành bị tăng huyết áp không biết rằng họ mắc bệnh.

- Chưa đến một nửa số người trưởng thành (42%) có tăng huyết áp được chẩn đoán và điều trị.

- Khoảng 1 trong 5 người trưởng thành (21%) có tăng huyết áp được kiểm soát.

- Tăng huyết áp là nguyên nhân chính gây tử vong sớm trên toàn thế giới.

 

Một số yếu tố nguy cơ của bệnh tăng huyết áp


- Tuổi tác, nhất là ở người từ 45 tuổi trở lên. 
- Thừa cân béo phì   
- Sử dụng rượu bia, thuốc lá làm tăng huyết áp và gia tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch do tăng huyết áp.
- Ăn nhiều muối, ít rau quả.
- Ít hoạt động thể lực.
- Căng thẳng tâm lý.
- Mắc các bệnh mạn tính như bệnh thận, đái tháo đường, … 
- Nguy cơ tăng huyết áp gia tăng nếu trong gia đình đã có người bị tăng huyết áp. 

 

Chẩn đoán, dự phòng và điều trị bệnh tăng huyết áp


Kiểm tra huyết áp thường xuyên là biện pháp quan trọng nhất để phát hiện sớm bệnh tăng huyết áp. Điều trị liên tục khi được BS chẩn đoán bệnh tăng huyết áp.

 

Thay đổi lối sống có thể giúp bạn kiểm soát tốt huyết áp

 

- Chế độ ăn uống hợp lý giảm muối, tăng cường ăn rau xanh, hoa quả tươi

- Duy trì cân nặng bình thường, nếu thừa cân, nên giảm cân.
- Hạn chế uống rượu, bia; ngừng hoàn toàn việc hút thuốc lá. 
- Tăng cường hoạt động thể lực ở mức thích hợp: tập thể dục, đi bộ, đi xe đạp hoặc vận động ở mức độ vừa phải, đều đặn khoảng 30-60 phút mỗi ngày. 
- Tránh lo âu, căng thẳng thần kinh; cần chú ý đến việc thư giãn, nghỉ ngơi hợp lý.

Phòng QLCL-BVBC

 

Nguồn:

  1. https://ish-world.com/world-hypertension-day-17-may-2023/
  2. https://www.who.int/news-room/events/detail/2020/10/16/default-calendar/world-hypertension-day
  3. VNCDC; HCDC