Cao huyết áp và nhóm thuốc có thể gây cao HA bạn cần lưu ý !

Ngày 15/09/2020

 -  4356 Lượt xem

Tổng hợp: DSCKI. Bành Đức Hòa

Cao huyết áp có thể gây ra các bệnh liên quan đến tim mạch như suy tim, đột quỵ, cơn đau tim và suy thận,... Như vậy, có nhiều câu hỏi bạn sẽ thắc mắc như:  Huyết áp là gì ? Huyết áp của tôi hiện nằm ở mức nào và có cần dùng thuốc điều trị không?, Khi tôi bị cao huyết áp, thuốc nào tôi phải thật sự lưu ý khi dùng?,…  

 

                (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa)

Huyết áp là gì ?

Huyết áp là chỉ số của áp lực bên trong thành mạch đo được khi mạch máu vận chuyển máu ra khỏi tim tới các cơ quan. Vì vậy cao huyết áp sẽ tác động xấu tới các mạch máu và các cơ quan trong cơ thể. Tác động này ví như sát thủ thầm lặng mà chúng ta ít nhận ra ngay được.

Huyết áp được đo bằng milimét thủy ngân (mm Hg). Có hai chỉ số được ghi nhận khi đo kiểm tra huyết áp:

- Huyết áp tâm thu (chỉ số trên) là áp lực bên trong các động mạch khi tim đập, để tống lượng máu qua động mạch nhiều hơn.

- Huyết áp tâm trương (chỉ số dưới) là áp suất bên trong các động mạch giữa các nhịp tim khi tim ở trạng thái được thư giản.

Trước đây, cao huyết áp là khi huyết áp tâm trương (HATTr) trên huyết áp tâm thu (HATT) luôn ở mức trên 140/90 hoặc cao hơn. Tuy nhiên, vào năm 2017, Hiệp Hội Tim mạch Hoa Kỳ (The American Heart Association -AHA) đưa ra một khái niệm mới chỉ số cao huyết áp thấp hơn 130/80. Khái niệm này sẽ thay đổi sự phân bậc (loại) về cao huyết áp.

Đối với người lớn tuổi từ 40 đến 89, nguy cơ tử vong do bệnh tim hoặc đột quỵ tăng gấp đôi đối với huyết áp tâm thu tăng mỗi 20 mm Hg và huyết áp tâm trương tăng mỗi 10 mm Hg.

Phân bậc huyết áp mới theo AHA

-  Huyết áp bình thường (Normal Blood Pressure): HATTr <120 và HATT < 80

-  Tiền tăng huyết áp (Elevated Blood Pressure): HATTr từ 120 - 129 và HATT từ 80 – 89.

-  Cao huyết áp giai đọan 1(Stage 1 Hypertension): HATTr từ 130 - 138 hoặc HATT từ 80-  89.

-  Cao huyết áp giai đoạn 2 (Stage 2 Hypertension): HATTr ≥ 140 hoặc HATT ≥ 90.

-  Cơn tăng huyết áp (Hypertensive Crisis): HATTr ≥ 180 hoặc HATT ≥ 120.

Đối với huyết áp mức bình thường, bạn không cần điều trị, nhưng phải duy trì lối sống lành mạnh của mình như có chế độ ăn hợp lý, duy trì tập thể dục thuờng xuyên, tránh rượu –bia, không hút thuốc lá,…

Tiền tăng HA là giai đoạn sẽ dẫn đến cao huyết áp sau này. Vì vậy, bạn phải buộc thay đổi lối sống để ngăn ngừa cao huyết áp xảy ra.

Cao huyết áp giai đọan 1, bạn phải đổi lối sống và có thể  bác sĩ sẽ chỉ định thuốc điều trị.

Giai đoạn 2 bạn phải dùng thuốc điều trị.

Thay đổi lối sống như thế nào?

Khi được dược sĩ hay bác sĩ tư vấn về tình trạng của mình, bạn thường được nghe câu “ bạn nên thay đổi lối sống”. Cho dù huyết áp của bạn đang ở giai đoạn nào đi nữa, việc thay đổi lối sống là việc cần duy trì thực hiện. Dưới đây là một số gợi ý về thay đổi lối sống:

-  Chế độ ăn uống tốt cho tim mạch

-  Hạn chế muối

-  Duy trì cân nặng hợp lý

-  Tăng hoạt động thể chất

-  Hạn chế rượu bia

-  Không hút thuốc

-  Kiểm soát tình trạng căng thẳng (stress) của bạn

Một số thuốc  có thể làm tăng huyết áp

Ngoài việc tuân thủ thuốc điều trị, thay đổi lối sống,…Khi bạn bị một vài bệnh khác đi kèm cần phải dùng thuốc thì một số thuốc có thể tương tác thuốc điều trị huyết áp mà bạn đang dùng. Hay xấu hơn là có thể làm tăng huyết áp của bạn.

Thuốc giảm đau

Một số thuốc giảm đau, kháng viêm ( hay còn gọi là thuốc nhóm NSAIDs). Các thuốc nhóm này có thể gây giữ nước, ảnh hưởng đến chức năng thận và gây tăng huyết áp.

Thí dụ:

-  Indomethacin

-  Aspirin, naproxen natri và ibuprofen

-  Piroxicam,…

Vì vậy, trong trường hợp phải dùng các thuốc trên để giảm đau, bạn nên theo dõi kiểm tra huyết áp của mình thường xuyên và đồng thời lưu ý những triệu chứng tăng huyết áp có thể xảy ra và báo cho bác sĩ điều trị, để bác sĩ có hướng điều chỉnh thuốc kịp thời.

Thuốc chống trầm cảm

Thuốc chống trầm cảm tác động đến trạng thái của bạn bằng cách giúp cơ thể đối thay đổi phản ứng  với các chất hóa học trong não như seretonin, norepinephrine và dopamine. Những chất hóa học trung gian này cũng có thể làm tăng huyết áp.

Thuốc chống trầm cảm có thể làm tăng huyết áp gồm:

-  Venlafaxine

-  Chất ức chế monoamine oxidase

-  Thuốc chống trầm cảm ba vòng

-  Fluoxetine

Nếu bạn dùng thuốc chống trầm cảm, Nên kiểm tra huyết áp thường xuyên. Và nếu có các triệu chứng bất thường nghi ngờ tăng huyết áp, bạn hãy đến cơ sở y tế để bác sĩ kiểm tra.

Hormon và thuốc ngừa thai

Thuốc tránh thai và các thiết bị kiểm soát sinh sản khác có chứa nội tiết tố như hormone có thể làm tăng huyết áp vì nó có tác động co các mạch máu nhỏ hơn. Hầu hết trong tờ hướng dẫn sử dụng của các loại thuốc tránh thai, miếng dán và vòng đặt âm đạo đều có ghi cảnh báo này. Nguy cơ cao huyết áp sẽ cao hơn nếu bạn thuộc các nhóm đối tượng như trên 35 tuổi, thừa cân hoặc hút thuốc lá.

Tuy nhiên, không phải phụ nữ nào dùng thuốc ngừa thai đều tăng huyết áp. Nếu bạn đang có bệnh tăng huyết áp, tốt nhất nên hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi quyết định dùng thuốc.

Thuốc cảm (thuốc trị nghẹt mũi)

 

          (Thuốc có chứa hoạt chất phenylephedrine. Ảnh chỉ mang tính chất minh họa)

Thuốc điều trị nghẹt mũi hay còn gọi là thuốc thông mũi có tác động làm co các mạch máu của bạn đặc biệt là các mạch máu nhỏ ngoại biên, khiến máu khó lưu thông, làm tăng huyết áp. Các thuốc này cũng có thể gây tương tác và làm giảm tác dụng một số loại thuốcđiều trị cao huyết áp.

Một số thuốc điều trị nghẹt mũi gồm:

-  Pseudoephedrine

-  Phenylephrine

Thuốc ức chế niễn dịch

Một số thuốc ức chế miễn dịch như Cyclosporine, Tacrolimus do tác động lên chức năng thận nên gây tăng huyết áp. Vì vậy, khi sử dụng các thuốc nhóm này bạn nên theo dõi huyết áp thường xuyên. Bác sĩ điều trị có thể sẽ khuyên bạn thay đổi lối sống hoặc dùng thuốc hạ áp kèm theo.

Thuốc gây nghiện

Các thuốc thuộc nhóm gây nghiện có thể làm tăng nhịp tim, làm co mạch máu vì vậy thuốc có thể làm tăng huyết áp. Một số thuốc như:

-  Amphetamines, bao gồm methamphetamine

-  Anabolic steroids

-  Cocaine

Tóm lại trước khi quyết định sử dụng một loại thuốc nào, bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ dược sĩ và đọc kỹ tờ hướng dẫn sử dụng thuốc kèm theo. Đồng thời, trong quá trình sử dụng thuốc bạn cảm nhận thấy có các triệu chứng bất thường xảy ra, bạn nên đến cơ sở y tế để bác sĩ kiểm tra tình trạng sức khỏe của bạn và có hướng điều chỉnh thuốc kịp thời.

Nguồn:

  1. The New Blood Pressure Chart: Where Do Your Numbers Fit?
  2. Medications and supplements that can raise your blood pressure

Links :

  1. https://universityhealthnews.com/daily/heart-health/blood-pressure-chart-where-do-your-numbers-fit/
  2. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/high-blood-pressure/in-depth/blood-pressure/art-20045245