Y tế cửa ngõ, vùng ven nỗ lực vươn lên

Ngày 16/03/2023

 -  972 Lượt xem

(BHXH-16/03/2023) -Nỗ lực phát triển chuyên môn, kỹ thuật của các BV tuyến quận, huyện ở TP.HCM giúp người tham gia BHYT trên địa bàn và vùng lân cận được chăm sóc sức khỏe kịp thời, đầy đủ.

 

Can thiệp tim mạch tại chỗ

 

Mới đây, ông Đ.V.B (64 tuổi, huyện Cần Đước, Long An) đã được các bác sĩ Đơn vị Can thiệp tim mạch “giải nguy” khỏi tình trạng hẹp động mạch trầm trọng. Khoảng 4 năm trước, ông B. cảm thấy nặng ngực sau xương ức lan lên vai trái, được điều trị nội khoa và có thuyên giảm. Tuy nhiên, 2 năm qua, ông B. tiếp tục dùng thuốc nhưng không còn đáp ứng, đau ngực nhiều hơn. Đi khám tại BV tuyến cuối ở TP.HCM, ông B. được chẩn đoán hẹp một nhánh mạch vành khoảng 60%, tiếp tục được điều trị với thuốc và tình trạng có cải thiện nhưng không hết đau ngực.

 

Cấp cứu bệnh nhân tại BV huyện Bình Chánh

 

Vài tháng gần đây, ông B. tình trạng đau ngực lại nhiều hơn, nên ông tìm đến BV huyện Bình Chánh (TP.HCM) để “khám lại xem sao”, vì cơ sở KCB này gần nơi ông cư trú. Tại BV huyện Bình Chánh, ông B. được điều trị nội khoa tối ưu vì tăng huyết áp, đái tháo đường type 2, rối loạn lipid máu, đồng thời được chụp mạch vành, cho kết quả hẹp động mạch liên thất trước gần 80%. “Được sự đồng ý của gia đình bệnh nhân, chúng tôi tiến hành can thiệp và thành công đặt một stent phủ thuốc lên sang thương trên động mạch liên thất trước. Sau can thiệp, bệnh nhân không còn đau ngực khi gắng sức, bệnh nhân tiếp tục được điều trị nội khoa tối ưu đến xuất viện và sau xuất viện”- BS.Lê Thanh Tùng- Trưởng Đơn vị Can thiệp tim mạch cho biết.

 

Trước ông B, đã có 14 bệnh nhân khác được bảo lưu tính mạng nhờ các bác sĩ Đơn vị Can thiệp tim mạch (BV huyện Bình Chánh)- kể từ khi đơn vị này đi vào hoạt động hồi tháng 8/2022. “Trong 15 ca can thiệp, có 2 ca đặt máy tại nhịp vĩnh viễn. Mọi ca can thiệp tại đơn vị đều được hướng dẫn, giám sát thực hiện trực tiếp của các chuyên gia Viện Tim TP.HCM, mà thường xuyên và sâu sát nhất là TS-BS.Phạm Hữu Văn, TS-BS.Lê Cao Phương Duy, BS.Hồ Thanh Tuấn”- BS.Lê Thanh Tùng thông tin.

 

Bình Chánh là cửa ngõ phía Nam của TP.HCM, giáp tỉnh Long An- là huyện có dân số đông, nên số lượt KCB BHYT cũng cao. Trước đây, bệnh nhân “dính” tới kỹ thuật cao như can thiệp tim mạch, BV huyện Bình Chánh buộc phải chuyển lên tuyến trên vì vượt quá chuyên môn kỹ thuật, khiến thời gian tiếp cận điều trị của bệnh nhân kéo dài. Động thái này dù phù hợp quy định và hết sức cần thiết, song cũng khiến thời gian tiếp cận điều trị của bệnh nhân kéo dài. “Chúng tôi phải gắng sức khắc phục để bà con trên địa bàn và khu vực lân cận được điều trị kịp thời và đầy đủ, để bà con đỡ phải di chuyển xa, vừa mất thời gian ảnh hưởng hiệu quả điều trị vừa phát sinh chi phí, tốn kém túi tiền bà con”- BS.Võ Ngọc Cường- Phó Giám đốc phụ trách điều hành BV huyện Bình Chánh chia sẻ thêm.

 

Can thiệp tim mạch chỉ là một trong hàng chục kết quả tích cực mà BV huyện Bình Chánh đã nỗ lực hợp tác chuyển giao kỹ thuật từ các BV chuyên sâu, đầu ngành ở TP.HCM. Theo đó, trong gần một năm qua, BV huyện Bình Chánh đã hợp tác với BV Chấn thương-Chỉnh hình chuyển giao kỹ thuật phẫu thuật vi phẫu nối mạch máu, thần kinh, thay khớp; phối hợp với BV Phục hồi chức năng-Điều trị BNN hỗ trợ chuyên môn phục hồi chức năng và thành lập Trung tâm Phục hồi chức năng-Vật lý trị liệu; phối hợp với BV Nhân Dân 115 hỗ trợ thành lập đơn vị đột quỵ mạch máu não, thận nhân tạo, nội soi can thiệp, phát triển ngoại tiết niệu... “Chúng tôi đang gắng sức hoàn thiện mô hình BVĐK với nhiều mũi nhọn kỹ thuật cao để phục vụ người dân tốt hơn”- BS.Cường cho biết.

 

Y tế cửa ngõ, vùng ven sáng màu hơn

 

BV huyện Bình Chánh chuyển mình phát triển là một điểm sáng trong bức tranh toàn cảnh y tế cửa ngõ, vùng ven ở TP.HCM. Bên cạnh đó, các BV như: Củ Chi, Gò Vấp, Nhà Bè, Hóc Môn... cũng đều có nguồn cảm hứng từ sự “trỗi dậy” của BV TP.Thủ Đức (BV quận Thủ Đức trước đây) và BV Lê Văn Thịnh (BV quận 2 trước đây). Cả 2 BV này đều tuyến quận, huyện nhưng được xếp hạng I chuyên môn kỹ thuật, là điểm sáng trong toàn mạng lưới y tế cơ sở cả nước. Điều đáng nói, cả BV Lê Văn Thịnh lẫn BV TP.Thủ Đức đều thuộc cửa ngõ, vùng ven của TP.HCM.

 

Khu chạy thận nhân tạo của BV Lê Văn Việt

 

BV Lê Văn Việt (trước đây là BV quận 9), cũng thuộc mạng lưới y tế cơ sở cửa ngõ, vùng ven. Từ một cơ sở KCB bị chính người dân sở tại quay lưng vì hạ tầng ọp ẹp, nhân lực thiếu thốn, thiết bị cũ kỹ...; song chỉ trong vài năm qua, BV Lê Văn Việt đã không ngừng “thay da đổi thịt” để lấy lại lòng tin của người dân. Tới nay, BV đã có thang máy chuyển bệnh, đã có khu lọc thận nhân tạo, máy chụp cắt lớp (CT-Scan)... Các kỹ thuật chuyên sâu, phức tạp đã dần được thực hiện bởi đội ngũ bác sĩ cơ hữu, dưới sự hướng dẫn, trợ giúp của những cố vấn chuyên môn là các chuyên gia hàng đầu đến từ các BV tuyến Trung ương và TP.HCM.

 

Cũng từ một BV quận mà xe của thân nhân bệnh nhân chỉ lác đác vài chiếc, nay BV Lê Văn Việt đã phải xây nhà để xe 2 tầng mới đủ chỗ. Mới đây, BS.Nguyễn Khoa Lý- Giám đốc BV Lê Văn Việt còn cho biết, quá trình chuyển giao kỹ thuật từ BV Chấn thương- Chỉnh hình TP.HCM đang diễn ra. Trong vài ngày tới, các chuyên gia BV Chấn thương- Chỉnh hình TP.HCM sẽ “cắm sào” tại BV Lê Văn Việt để “cầm tay chỉ việc”, giúp các bác sĩ nơi đây thực hiện các phẫu thuật phức tạp liên quan đến lĩnh vực chấn thương chỉnh hình.

 

“Ngoài ra, các vấn đề khác liên quan cũng được phía BV Chấn thương-Chỉnh hình hỗ trợ. Khi đó, bệnh nhân sẽ được thực hiện kỹ thuật tại chỗ mà không phải chuyến lên các BV tuyến trên, nên vừa hiệu quả về thời gian điều trị, vừa kiết kiệm rất nhiều chi phí phát sinh cho bệnh nhân. Ngoài ra, đối với những bệnh nhân đã điều trị cấp cứu tại BV Chấn thương- Chỉnh hình, nếu nơi cư trú thuộc địa bàn gần BV Lê Văn Việt thì có thể chuyển tuyến về đây để tiếp tục được chăm sóc, điều trị theo đúng phác đồ.

 

Đáng chú ý, với BV tuyến trên, đây chính là giải pháp để giúp hạ nhiệt tình trạng quá tải bệnh nhân, đặc biệt là sự quá tải thường xuyên, liên tục nơi BV Chấn thương-Chỉnh hình TP.HCM. “Là cơ sở y tế thuộc vùng ven, cửa ngõ, chúng tôi đang không ngừng nỗ lực phát triển với mục tiêu đáp ứng tối đa nhu cầu KCB của người dân địa phương và khu vực lân cận, đặc biệt là người dân tham gia BHYT...”- BS.Lý chia sẻ thêm.

 

Nguồn tin: Tạp chí Bảo Hiểm Xã Hội

https://tapchibaohiemxahoi.gov.vn/y-te-cua-ngo-vung-ven-no-luc-vuon-len-95138.html